Trị vì Lý_Hùng_(hoàng_đế)

Vào đầu năm 304, Lý Hùng chiếm được Thành Đô, đô phủ của Ích Châu, buộc La Thượng phải chạy trốn. Lý Hùng sau đó định truyền ngôi cho ẩn sĩ Đạo giáo Phạm Trường Sinh (范長生), nhân vật này được những người tị nạn kính trọng giống như một vị thần và đã cung cấp lương thảo cho binh lính. Tuy nhiên, Phạm đã từ chối, các tướng sau đó đã yêu cầu Lý Hùng xưng đế. Vào mùa đông năm 304, Lý Hùng xưng Thành Đô vương, thực tế là tuyên bố độc lập với Tấn. Ông phong Phạm Trường Sinh và những người lớn tuổi trong gia tộc Lý làm các quân sư cấp cao. Năm 306, ông xưng đế và đặt quốc hiệu là "Thành" (成). Ông cũng vinh danh người mẹ La thị làm thái hậu và truy phong thụy hiệu hoàng đế cho cha mình. Vài năm sau đó, ông dần bình định và ổn định được biên giới, chiếm toàn bộ Ích Châu nhưng sau đó lại dừng lại, không mở rộng hơn nữa. Điều khó hiểu là ông đã không thực sự nỗ lực để chiếm Ninh Châu (寧州, nay là Vân NamQuý Châu) ở phía tây nam. Sau này, đến cuối thời kỳ ông trị vì, người em họ của ông là Lý Thọ mới chiếm được Ninh Châu. Ông cho tiến hành các công việc để ổn định đế quốc.

Các sử gia thường xem thời gian trị vì của Lý Hùng có điểm đặc trưng là khoan dung và triều đình ít sự can thiệp vào sinh kế của người dân. Do đế quốc của Lý Hùng nói chung có tình hình hòa bình trong khi những nơi khác bị chiến tranh tàn phá, đế quốc của ông đã tiếp nhận một số lượng lớn nạn dân đến định cư và làm tăng thêm sự giàu có của đế quốc. Lý Hùng cũng không phung phí tiền bạc. Tuy nhiên, ông cũng bị chỉ trích vì triều đình của ông thiếu tôn nghiêm. Các quan không được trả bổng lộc, và do đó, khi họ có nhu cầu về vật chất, họ sẽ lấy thẳng từ người dân. Trong giai đoạn Lý Hùng cai trị, nạn tham nhũng không quá lớn, điều này cũng vẫn được duy trì dưới thời những người kế vị ông.

Cuối thời kỳ Lý Hùng trị vì, người cai trị Tiền Lương (một nước chư hầu của Tấn) là Trương Tuấn, nhiều lần đề nghị ông phải từ bỏ tước hiệu "đế" và trở thành chư hầu của Tấn. Lý Hùng đã không làm như vậy, song liên tục nói với Trương Tuấn rằng ông sẽ xưng thần nếu như Đông Tấn có thể phục hồi hơn nữa. Ông cũng duy trì quan hệ hữu hảo với Trương Tuấn, Thành Hán và Tiền Lương sau đó duy trì mối quan hệ thương mại. Lý Hùng, với một số miễn cưỡng, đã cho phép sứ giả của Tấn và Tiền Lương qua lãnh thổ của mình để sang phía bên kia.